Việt Nam – Nhật Bản tổ chức hội thảo về đường bộ cao tốc
14/11/2014Ngày 20/8, tại Đà Nẵng, đã diễn ra Hội nghị lần thứ 5 Kế hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải Việt Nam phối hợp cùng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông Vận tải và Du lịch Nhật Bản tổ chức.
Tham dự có Thứ trưởng Thường trực Ngô Thịnh Đức; Thứ trưởng phụ trách về các vấn đề kỹ thuật Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông Vận tải và Du lịch Nhật Bản Naoyoshi Sato; cùng gần 100 đại biểu là diễn giả, các doanh nghiệp cùng đại diện lãnh đạo hai bộ của Việt Nam và Nhật Bản.
Thực hiện Quyết định 1734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/12/2008 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, Việt Nam sẽ có 39 tuyến đường bộ cao tốc quốc gia với tổng chiều dài 5.873 km với tổng mức đầu tư là 40,5 tỷ USD. Như vậy, vốn đầu tư cần cho đường bộ cao tốc là 70.000 tỷ đồng/năm.
Với nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho Quy hoạch lớn, trong khi vốn ngân sách hạn chế. Do nhiều nguyên nhân, theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, đến nay mới có 8/20 dự án có nguồn vốn đang thi công hoặc chuẩn bị khởi công trong năm 2011 – 2012. Việc đầu tư cho các dự án đường cao tốc theo hình thức BOT hiệu quả tài chính không cao, khó có khả năng hoàn vốn trong khi thu hút đầu tư theo hình thức công – tư (PPP) được xem là hướng mở nhưng lại thiếu khung pháp lý.
Đồng thời, ông cũng khuyến cáo về hệ thống biển báo đường bộ Việt Nam còn bất cập, làm các lái xe khó nhận biết. Tình trạng lái xe Việt Nam dừng đỗ bất thường, chở quá tải trọng tại đường cao tốc cũng là một nguy cơ cần lưu tâm.
Các chuyên gia Nhật Bản cũng giới thiệu những hệ thống điều khiển giao thông thông minh (ITS) ở Nhật Bản và ứng dụng của ITS tại Việt Nam sẽ giúp quản lý tốt tình hình, diễn biến trên các tuyến đường cao tốc, hạn chế tai nạn đến mức thấp nhất.
Thứ trưởng Sato cho rằng, cùng với việc xúc tiến xây dựng phát triển hạ tầng giao thông một cách bền vững, Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn hơn trong xây dựng cơ chế quản lý và cấp vốn có hiệu quả.
Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức ghi nhận những chia sẻ, bài học kinh nghiệm, góp ý từ phía các chuyên gia Nhật Bản. Thứ trưởng tin rằng, với hơn 40 năm kinh nghiệm xây dựng và quản lý đường cao tốc, những giúp đỡ của Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam hình thành một mạng lưới đường cao tốc hiện đại, phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế xã hội.
Trước Hội nghị này, hai bên đã tổ chức 4 Hội nghị tại Hà Nội và Tokyo để cùng thảo luận giải quyết những vướng mắc trong vấn đề triển khai đường bộ cao tốc tại Việt Nam.
Chinhphu.vn