Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành
17/12/2014
1. THÔNG TIN DỰ ÁN:
Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành được đánh giá là dự án cao tốc có quy mô vốn lớn nhất từng được triển khai tại khu vực phía Nam. Sau khi hoàn thành, cao tốc sẽ giúp cho giao thông liên vùng phía Tây và phía Đông Nam Bộ không cần qua trung tâm TP.Hồ Chí Minh, mà sẽ nối trực tiếp với mạng đường cao tốc – quốc lộ, vốn là tuyến giao thương tấp nập với các hạ tầng liên kết gồm Hệ thống cảng biển Hiệp Phước, cảng Thị Vải – Cái Mép và với sân bay quốc tế Long Thành.
Dự án có nghĩa đặc biệt quan trọng qua việc thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đặc biệt là 3 tỉnh/thành là TP.Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai. Trong đó, nhờ rút ngắn thời gian lưu thông, quá trình vận chuyển hàng hóa và vận tải hành khách công cộng từ các tỉnh Tây Nam bộ về TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn trước nhiều lần, góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51.
Chủ đầu tư: TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG CAO TỐC VIỆT NAM
Phạm vi dự án: Điểm đầu dự án là điểm giao giữa đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương và dự án đường Vành đai 3. Điểm cuối dự án là điểm giao với dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Giai đoạn I, điểm cuối dự án tại nút giao với Quốc lộ 51 (tại khoảng Km35+350 – lý trình Quốc lộ 51). Dự án đi qua các tỉnh Long An (2,7Km); TPHCM (26,4 Km) và tỉnh Đồng Nai (28 Km).
Quy mô dự án: Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 58km là đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế tối đa 120km/h với 4 làn xe trong giai đoạn 1 (giai đoạn hoàn chỉnh là 8 làn xe), 2 làn dừng khẩn cấp, tổng chiều rộng nền đường là 27,5m trong giai đoạn 1 và 42,5m trong giai đoạn hoàn chỉnh.
Tổng mức đầu tư: Giai đoạn 1 là 31.320 tỉ đồng (1,607 tỉ USD), trong đó vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách nhà nước là 337 triệu USD.
2. CÁC HẠNG MỤC CHÍNH:
- Cầu dây văng:
– Cầu Bình Khánh: cầu dây văng 02 mặt phẳng dây có bề rộng 21.75m, chiều cao tháp 155m tính từ móng; khẩu độ nhịp chính 187.25+375+187.25m đảm bảo tĩnh không thông thuyền H=55m và L=242m; cầu dẫn có khẩu độ 70m sử dụng phương pháp đúc hẫng cân bằng.
– Cầu Phước Khánh: cầu dây văng 02 mặt phẳng dây có bề rộng 21.75m, chiều cao tháp 135.8m tính từ móng; khẩu độ nhịp chính 149.5+300+149.5m đảm bảo tĩnh không thông thuyền H=55m và L=242m; cầu dẫn có khẩu độ 70m sử dụng phương pháp đúc hẫng cân bằng và dầm Super T dài 40m.
- Cầu vượt sông khác: 9 cầu với tổng chiều dài 4827m.
- Cầu cạn: 02 cầu cạn qua khu dân cư dài tổng cộng khoảng 2149m, 03 cầu cạn kết hợp cầu vượt sông rạch với chiều dài tổng cộng khoảng 8416m.
- Xử lý đất yếu: do hầu hết tuyến cao tốc đi qua các khu vực đất yếu nên việc xử lý đất yếu đã áp dụng rất nhiều công nghệ như đào thay đất, PVD, giếng cát, cọc xi măng đất (DMM), sàn giảm tải bằng bê tông, v.v. Tổng chiều dài xử lý đất yếu khoảng 21km.
- Nút giao: 6 nút giao khác mức trong giai đoạn I (giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 9 nút giao).
- Cống: 73 cống chui, cống thoát nước và cống kỹ thuật các loại.
- Các công trình phục vụ quản lý và khai thác: dự án sẽ sử dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) với 01 Trung tâm điều khiển, 06 trạm thu phí sử dụng công nghệ thu phí kín, 02 nhà điều hành – quản lý khai thác đường cao tốc và 02 trạm dịch vụ dọc tuyến.